Từ xa xưa, thời gian đã là chủ đề được nhắc đến hàng ngày. Người ta tính thời gian để trồng trọt, gặt hái, đi cầu nguyện, tổ chức lễ hội, v…v…Chúng ta tính bằng giây, phút, giờ, ngày, tháng, năm, thập kỷ, thế kỷ và thiên niên kỷ. Trước khi chưa có phát minh về đồng hồ, con người sử dụng nhiều thứ khác nhau để tính thời gian như: nhang, đèn cầy, lịch. Con người còn sử dụng mặt trời, cát để chia một ngày ra thành nhiều giờ. Cùng với sự phát triển của xã hội con người đã sáng tạo những chiếc đồng hồ đeo tay để phục vụ nhu cầu của người. Có thể xem giờ một cách thuận tiện, dễ dàng.
Trong thời đại ngày nay, chúng ta có thể xem giờ ở khắp nơi: trên điện thoại di động, trên máy tính, trên bảng điều khiển xe hơi, trên lò vi ba… Thế nhưng vẫn không gì có thể thay thế được vai trò của cái vật nhỏ bé trên cổ tay của hầu hết mọi người. Đó là chiếc đồng hồ đeo tay.
Theo dòng thời gian, công cụ đo thời gian tức đồng hồ không ngừng phát triển và hoàn thiện.
Đồng hồ treo tường đã bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ thứ 13 nhưng lịch sử của chiếc đồng hồ đeo tay lại chỉ mới bắt đầu cách đây 13 thập niên. Có lẽ người đầu tiên sở hữu đồng hồ đeo tay là nữ hoàng Elizabeth đệ nhất của Anh khi bà được tặng một chiếc vòng đeo tay mà trên đó được cột chặt một mặt đồng hồ nhỏ từ năm 1571.
Tuy đồng hồ đeo tay đã ra đời nhưng nhiều người chỉ ưa thích loại đeo cổ vì nó vừa là một món trang sức, vừa là biểu hiệu của những người khá giả. Tới năm 1880 Bộ Hải Quân Đức mới nhận thấy rằng đồng hồ đeo tay là một vật dụng hữu ích cho các sĩ quan. Bộ liền đặt làm một lô đồng hồ đeo tay và các sĩ quan Hải Quân Đức là những người đầu tiên đeo loại đồng hồ này. Những đồng hồ đeo tay vào thời đó được làm bằng vàng tây, có mặt to, kim to và dây deo cũng bằng kim loại. Kể từ đó, đồng hồ đeo tay được sử dụng phổ biến trong quân đội và không ngừng được cải tiến.
Nhưng mặc dù là một sản phẩm mới, đồng hồ đeo tay vẫn không được mọi người ưa chuộng và nhà sản xuất Girard phải cho xuất cảng thứ đó sang Chili bên châu Mỹ. Tuy nhiên tại xứ Chili, tình trạng còn bi đát hơn vì dân chúng không cần biết tới thời giờ và nếu có ai dùng đồng hồ thì cũng đều cảm thấy bất tiện khi đeo nó tại cổ tay mà làm việc. Đồng hồ đeo tay vì thế lại được đưa sang bán tại Bắc Mỹ và nó vẫn chịu số phận ế ẩm như trước.
Mãi tới năm 1902 và mặc dù đồng hồ đeo tay không được ai đòi hỏi, ông Wilsdorf, một nhà sản xuất đồng hồ tại Thụy Sĩ, cứ cho xuất cảng loại này sang nước Anh vì ông nhận thấy tầm quan trọng của nó. Nhưng tình trạng cũng chẳng khả quan hơn và người Anh còn cho rằng đồng hồ có thể bị liệt máy vì các chuyển động thông thường của cánh tay.
Chiếc đồng hồ đeo tay có ngày tháng đầu tiên xuất hiện vào năm 1912 và sau đó là đồng hồ không vô nước vào 1915 để đáp ứng nhu cầu của quân đội trong thế chiến thứ nhất. Chính hình ảnh những chiếc xe bọc thép khiến cho hãng Louis Cartier nảy ra sáng kiến thiết kế loại đồng hồ không vô nước mang tên Xe tăng nổi tiếng. Đến 1932, đồng hồ lên dây bắt đầu bị “coi rẻ” với sự xuất hiện của loại lên dây tự động.
Năm 1957 sự xuất hiện của chiếc đồng hồ điện tử đầu tiên, của Hamilton Ventura thực sự là một bước đột phá lớn.
Khi Neil Amstrong bước vào mặt trăng với một chiếc Omega trên cổ tay hồi năm 1969 thì ở Thụy Sĩ đã có khoảng 1.600 hãng sản xuất đồng hồ. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, sự ra đời của công nghệ thạch anh (quartz) rẻ tiền đã làm cho hằng hà sa số hãng đồng hồ cổ điển phải phá sản.
Đến năm 1984, tổng số nhân công trong ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ giảm xuống chỉ còn 30.000 so với 90.000 của thập niên 70. Con số này hiện nay ở mức khoảng 40.000 người.
Sau nhiều năm của quá trình hình thành phát triển Kỹ thuật chế tạo đồng hồ đeo tay càng ngày càng phát triển, tinh vi hơn, để tiến từ loại không ngấm nướck tới loại không bị ảnh hưởng của từ tính, của sự va chạm và cũng có loại tự động lên dây.